Nằm cách biên giới Việt Nam khoảng 150km, nghĩa địa những chiếc chum là di tích khảo cổ nổi tiếng nhiều bí ẩn của đất nước Lào, trong thị trấn Xieng Khoang.
Ở Xieng Khoang có khá nhiều người Việt sinh sống và đôi khi có thể sử dụng tiền Việt, thay vì tiền kip của Lào, nhất là khi chẳng may không ra ngân hàng đổi được. Khác với Campuchia hay Thái Lan có chỗ đổi tiền ở khắp nơi, ở Lào, việc đổi tiền chỉ diễn ra trong ngân hàng.
Tiêu pha ở Lào khá rẻ nên cũng không cần đổi nhiều lắm. Tờ tiền kip Lào to hơn tiền đồng Việt Nam nên cái ví mang theo chẳng vừa với đồng tiền, tôi đành dùng chun bó lại rồi đút tọt vào túi.
Nhà trọ chúng tôi thuê vốn của một một gia đình người Việt nên giá cả cũng phải chăng, rất rộng rãi, xe để trong sân. Sau khi được chủ nhà hướng dẫn tỉ mỉ về đường đi lối lại đến khu vực tham quan, chúng tôi lên đường đến cánh đồng chum ngay. Cánh đồng số một cũng là cánh đồng lớn nhất mà khách du lịch được phép đến tham quan. Chiếc xe nhảy chồm qua những con đường đất đỏ vẫn còn đọng nước mưa. Những cánh đồng vàng một màu cỏ úa và xa tít tắp, chạm đến chân trời.
Cánh đồng chum nằm cách thị trấn 15 phút chạy xe, xung quanh rất nhiều bom mìn còn sót lại sau chiến tranh chưa được gỡ hết. Vì vậy đi vào nơi này phải tuân thủ đúng quy định an toàn. Ảnh: Lam Linh |
Cổng vào đang mở với những chỉ dẫn cụ thể về cách đi lại trong khu vực, phải đi đúng vạch đường, đi trong khu vực hàng rào, tuyệt đối không được đi lung tung. Trong một khoảng đất rộng lớn, vẫn còn khoảng 2.000 chiếc chum còn sót lại sau những tàn phá nặng nề của chiến tranh và thiên tai, rất nhiều chum đã bị vỡ hoặc nứt. Trong những năm chiến tranh bí mật, khu vực này đã bị rải bom dày đặc và đến nay những quả bom chưa nổ còn sót lại vẫn gây nên nhiều thương tích cho người dân trong vùng.
Bám sát nhau, chúng tôi bước vào khu đồi. Cánh đồng trải dài và những chiếc chum kì lạ hiện ra với đủ loại to nhỏ không biết đã được đặt sẵn tự bao giờ. Những chiếc chum với đủ mọi kích thước và hình dáng, chất liệu. Có những chiếc được làm từ đá cẩm thạch, chiếc lại làm từ đá vôi hay đá ong. Chiếc miệng lồi, chiếc miệng tròn và duy nhất có một chiếc có nắp. Chiếc chum lớn nhất cao tới 2,5 mét với tuổi đời ước tính 3.000 năm, cả nhóm chúng tôi ngồi vừa trên miệng chiếc chum ấy.
Hàng trăm chiếc chum với đủ kích cỡ lớn nhỏ, đủ kiếu dáng nằm la liệt trên cánh đồng. Ảnh: Lam Linh. |
Có cảm giác như những chiếc chum được thả rơi từ trên cao xuống để rồi khi xuống đến mặt đất không chiếc nào giống với chiếc nào về thế đứng. Ai là tác giả của những chiếc chum này, được tạo ra với mục đích gì, tại sao…? Câu hỏi này các nhà khoa học chưa giải đáp. Cả cánh đồng chum dù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vẫn đang trong một bức màn bí ẩn.
Những chiếc chum dẫn lối người xem, mê hoặc chúng tôi. Ở khu đồi cao sâu trong cánh đồng, có thể nhìn thấy toàn bộ cánh đồng chum khổng lồ với đủ tư thế. Tiếng gió lùa vi vu quạnh quẽ, chạy xiên xẹo trên cánh đồng hoang vu. Ở đây chỉ có gió và cỏ úa làm bạn với những chiếc chum nghiêng ngả. Những bước chân khách chỉ kịp đi qua, rồi cỏ lại đan vào nhau, xóa đi vết chân trong chớp mắt.
Một góc cánh đồng chum. Ảnh: Lam Linh |
Chúng tôi ngó nghiêng hết cái chum này đến cái chum khác, tò mò. Cái to cái nhỏ, cái có thể đứng cả chục người trên đó mà vẫn còn rộng chỗ. Bao nhiêu năm những chiếc chum đứng ở đây giữa vô vàn những biến đổi của thời tiết, nhiều cái đã vỡ và đa phần không còn nắp. Cánh đồng hoang vu, hoa dại và cỏ dại mọc đầy. Từ trên đỉnh đồi, nơi có đặt một chiếc ghế gỗ mộc mạc, gió miết mải thổi không ngừng.
Cánh đồng số hai và số ba nhỏ hơn, số lượng chum ít hơn và cách nhau khá xa. Đây là ba cánh đồng an toàn duy nhất được phép đi tham quan trong toàn vùng.
Theo Laodong