Ai đã từng đặt chân đến Lạng Sơn một lần ắt hẳn sẽ còn muốn quay lại thêm lần nữa. Du khách không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ, thả hồn cùng sông núi mà còn bị hút hồn bởi những món ăn chứa chan tình người xứ Lạng.
Đào Mẫu Sơn
Đến Lạng Sơn, du khách không thể không ghé thăm đỉnh Mẫu Sơn - miền sơn cước hùng vĩ với nhiều điều kì thú. Đặc biệt, đây cũng chính là mảnh đất đỏ rực sắc hoa đào với những vườn đào sai trĩu quả. Mỗi năm, mùa đào Mẫu Sơn chỉ kéo dài trong vòng một tháng nên những trái đào đã trở thành sản vật vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Khác hẳn với các loại đào khi chín có màu đỏ rực, thơm nức nhưng thịt lại mềm, nhũn, đào Mẫu Sơn ngọt, giòn và chắc hơn. Bên ngoài đào có màu xanh nhạt, nhưng khi ăn có vị ngọt lịm mà lại giòn tan, thịt đào đỏ au và quyến luyến bởi mùi thơm dịu. Nhìn vẻ bề ngoài, những trái đào Mẫu Sơn căng mọng với màu sắc hồng hào, tươi đẹp đã hấp dẫn mọi người thưởng thức.
Lợn sữa quay mác mật
Là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người dân xứ Lạng, lợn sữa quay mác mật có hương vị vô cùng đặc biệt. Khó có nơi nào có món lợn quay sánh bằng Lạng Sơn bởi món ăn này được chế biến rất kì công ngay từ bước chọn nguyên liệu.
Người ta phải chọn con lợn sữa lớn vừa, sao cho không quá to vì sẽ nhiều mỡ, nhưng không quá bé vì thịt sẽ nhão. Sau khi sơ chế xong, đầu bếp nhồi vào bụng lợn lá mắc mật bánh tẻ, một thứ lá rừng được đồng bào Tày, Nùng ưa dùng và quay trên bếp than hoa đỏ lửa.
Lợn sẽ được quay với thanh củi trong khoảng từ 1 – 4 tiếng tuỳ theo trọng lượng. Trong quá trình quay phải thường xuyên lau nước và mỡ rịn ra trên da và dùng mật ong pha với nước phết lên ở thời gian đầu cho thịt lợn được chín đều, vàng đẹp như ý.
Sau khi quay chín, chặt từng miếng xếp ra đĩa, hương vị của lá mác mật ngay lập tức toả thơm ngát. Thịt ăn chắc, có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mác mật, vị béo ngậy của dầu hòa quyện với mật ong rừng.
Phở chua Lạng Sơn
Được biết đến như là món ăn “hàn thực” nên phở chua được ưa chuộng nhất vào mùa thu và mùa hè. Nguyên liệu của món phở chua cũng khá kỳ công với hai phần: nguyên liệu khô và phần nước.
Phần khô bao gồm bánh phở, thịt xá xíu, hành khô, khoai lang, khoai môn, lạc rang giã nhỏ, dưa chuột và một số loại rau thơm. Nước để chan phở chua cũng là thứ nước sốt sánh đặc, có vị chua làm từ các loại gia vị khác nhau, trong đó có dấm làm từ chuối tây. Món ăn có vị giòn, bùi của khoai, lạc đi kèm cảm giác ngầy ngậy từ thịt xá xíu kết hợp với ớt cay, dưa chuột man mát.
Toàn bộ phần nguyên liệu được chuẩn bị từ trước và chờ đến khi khách gọi mới bắt đầu trộn. Khâu trộn là khâu cuối quyết định sự thành công của món phở chua. Phải trộn lượng nước vừa đủ sao cho nguyên liệu không bị nát mà gia vị vẫn thấm đều. Những thứ trang điểm cho món phở chua gồm có lạc rang giã dập, các loại rau thơm, hành khô, dưa chuột và vài lát lạp xưởng thái mỏng. Ngoài ra còn có thêm thứ gia vị đặc biệt mà người địa phương quen gọi là xúng xàng tạo ra một hương vị rất lạ.
Món khâu nhục
Vào những dịp lễ tết, nhà mới, đám cưới… của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn không thể thiếu món khâu nhục cổ truyền này. Khâu nhục hay còn gọi là “nằm khâu”, vốn dĩ mang màu sắc văn hóa Trung Quốc, nhưng qua bàn tay của người dân xứ Lạng đã được biến tấu và trở thành món ngon, độc đáo.
Món ăn được chế biến khá cầu kì từ thịt ba chỉ sau khi đã ướp kĩ các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, mật ong, rượu, dấm, xì dầu… và hấp cách thuỷ trong thời gian dài. Khâu nhục làm xong có màu vàng đều, hấp dẫn và mùi thơm đặc trưng không lẫn vào đâu.
Bánh cuốn trứng Lạng Sơn
Không cầu kì, cao sang nhưng ngon đến lạ lùng… đó là dư vị của món bánh cuốn trứng Lạng Sơn. Không như bánh cuốn Sài Gòn nhiều nhân, ăn chung với chả giò, nem, giá trụng, rau thơm, hay như bánh cuốn Hà Nội có lớp nhân mỏng và rắc lên trên ruốc thịt, bánh cuốn trứng Lạng Sơn chỉ đơn giản với một quả trứng gà và một chén nước chấm là nước ninh từ xuơng ống trộn với thịt băm, thêm chút gia vị đường, ớt, rau mùi băm nhỏ…
Bánh cuốn trứng Lạng Sơn phải được thưởng thức ngay khi còn nóng hổi mới ngon. Vì vậy, chỉ khi thực khách ngồi vào bàn, người bán hàng mới bắt đầu làm từng mẻ bánh. Bên cạnh bánh cuốn trứng, những thực khách không thích dùng trứng còn có thể thưởng thức món bánh cuốn thịt băm.
Rượu Mẫu Sơn
Rượu Mẫu Sơn trong vắt như nước suối, đậm đà, không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, thơm dịu mùi của lá và rễ cây thuốc…ai đã từng uống một lần thì mãi không quên được. Rượu Mẫu Sơn do chính tay người dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn) chưng cất ở độ cao 800-1000m so với mặt biển bằng phương thức truyền thống, được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Để chưng cất được loại rượu có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là gạo và nước suối thì chất gây men không thể thiếu là lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm như: cây 30 rễ, dây nước, trầu rừng, dây ngọt,… có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp. Hương vị đặc trưng của rượu Mẫu Sơn được khẳng định qua việc đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn: nấu cơm, trộn men, ủ lên men và cho vào hũ, bịt kín trong khoảng 15-25 ngày mới đem chưng cất.
Nem nướng Hữu Lũng
Để có được nem ngon phải chọn được phần thịt lợn khoét vai không quá nạc nhưng cũng không được quá mỡ, phải chọn con lợn mới mổ, thịt hồng. Thịt mua về được thái sợi nhỏ, bì lợn cạo sạch lông, đem luộc chín. Sau đó trộn cả phần thịt và bì với bột thính, gói lại bằng lá chuối tươi.
Thịt sau khi lên men tỏa mùi chua ngai ngái được nướng trên bếp than hoa cho cháy lá, tỏa hương thơm đầy mời gọi, khi ăn kẹp vào lá đinh lăng hoặc lá sung chấm kèm tương ớt. Vị chua, ngọt, cay dịu tạo nên hương vị hấp dẫn, khó có thể chối từ.
Theo Dân Trí